Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, diễn ra ngày 31-8-2024 theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công TP. Đà Nẵng kết nối trực tuyến với các điểm cầu của bộ, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: baochinhphu.vn.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc cung cấp hồ sơ trực tuyến được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm và tạo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đầy đủ, bài bản, khoa học. Công tác cải cách thủ tục hành chính dựa trên 2 trụ cột chính là: Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ; cung dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính cần hướng tới không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc, không để ai bỏ lại phía sau. Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ công trực tuyến; rà soát đánh giá các nội dung về dịch vụ công trực truyến để có giải pháp bài bản, khoa học hơn, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; nâng cao chất lượng trung tâm dịch vụ hành chính công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng yếu thế…
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động, khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến. Để bước vào giai đoạn 3 (giai đoạn phát triển theo chiều sâu), cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu đề ra trong giai đoạn này là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Cụ thể, năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đối với các bộ, ngành đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đối với các bộ, ngành đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%.
Tại Khánh Hòa, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tích hợp, cung cấp 855 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Khánh Hòa với 11 hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương; hoàn thành kết nối, chia sẻ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong 8 tháng năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 47,18%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 36,46%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình/tổng số hồ sơ phát sinh vừa trực tuyến vừa trực tiếp của các thủ tục hành chính công bố toàn trình đạt 82%…
BẢO ANH
Xem bài viết gốc tại đây