(LLCT) - Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị và phản động đã lợi dụng vấn đề từ chức, miễn nhiệm của cán bộ cấp cao, cấp chiến lược trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, lệch lạc, nhằm mục đích chống phá, làm suy yếu chế độ chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Bài viết vạch trần những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, xuyên tạc sự thật, bóp méo về công tác cán bộ của Đảng, đồng thời, khẳng định tư duy mới và các chủ trương về công tác cán bộ của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, khách quan và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới của cách mạng Việt Nam.
1. Mở đầu
Vấn đề cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, cấp chiến lược trong các cơ quan Đảng, Nhà nước luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đặc biệt, với những vị trí quan trọng trong các cơ quan đảng, nhà nước, việc cán bộ được bổ nhiệm, hay từ chức, miễn nhiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của Đảng và Nhà nước, tương lai và vận mệnh của dân tộc. Do vậy, mọi sự thay đổi trong công tác cán bộ đều nhanh chóng nhận được sự theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân và các tổ chức.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xem xét nguyện vọng và cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã ra sức tung tin xấu, độc, tuyên truyền, rao giảng những luận điệu xuyên tạc bản chất vấn đề, dẫn dắt dư luận xã hội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, chia rẽ đoàn kết nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam. Trước sự nguy hiểm đó, Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Vấn đề này đã được đề cập trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được thể chế hóa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và được triển khai trong thực tiễn phù hợp, đúng với quy luật khách quan, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ và tạo lòng tin trong nhân dân về đường lối lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ.
2. Luận điệu xuyên tạc về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ của các thế lực thù địch
Công tác cán bộ ở Việt Nam là một trong những mũi tấn công mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng, xuyên tạc, hòng chia rẽ, gây mâu thuẫn nội bộ và làm lung lạc lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Mỗi khi có thông báo về hội nghị bất thường hoặc về công tác cán bộ, tần suất các thông tin gây bất ổn xã hội, nhiễu loạn, xuyên tạc, sai lệch, bịa đặt, do các thế lực thù địch, phản động, chống đối trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội lại có xu hướng gia tăng. Mục đích của các đối tượng này là làm nhiễu loạn thông tin, gây bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu chế độ chính trị và hạ thấp vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Những thông tin về việc từ chức, miễn nhiệm liên tục bị các thế lực thù địch tung ra, chúng xuyên tạc các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, lèo lái công chúng, lấy hiện tượng để xuyên tạc bản chất nhằm làm lung lạc, thay đổi nhận thức, lòng tin của nhân dân vào việc từ chức, miễn nhiệm của cán bộ. Chúng đã tỏ rõ thái độ, hành vi sai trái, phản cảm, vào hùa với nhau, phát ngôn, viết tin, bài, dàn dựng các video có nội dung xấu, độc về từ chức, miễn nhiệm và phát tán các tài liệu phản động trên các trang tin hải ngoại như: BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt, Đài châu Á tự do RFA, mạng xã hội Facebook... Tại đó, chúng tự xưng là nhà báo đã tung ra rất nhiều bài viết sắp đặt các vị trí lãnh đạo, xuyên tạc sự thật, hòng gieo mầm mống nghi ngờ cho người dân, cộng đồng xã hội với Đảng và Nhà nước, làm xấu xí, bóp méo về xã hội Việt Nam, bôi nhọ tình hình chính trị - xã hội Việt Nam.
Cùng với đó, chúng công kích, xuyên tạc bản chất một số hội nghị bất thường của Đảng, của Quốc hội về từ chức, miễn nhiệm cán bộ cũng như một số nhân sự có liên quan, chúng nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo, cố tình hạ uy tín Đảng, Nhà nước và Quốc hội; chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ công nghệ thông tin; sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI),…ở Việt Nam hiện nay, có khoảng trên 70 triệu dân sử dụng mạng xã hội. Nắm bắt thực tế đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã lợi dụng mạng xã hội để rao giảng và tung hô các luận điệu có nội dung xấu, độc về từ chức, miễn nhiệm cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược như “đấu đá nội bộ”, “lợi ích cục bộ địa phương”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “củng cố quyền lực” hay “thâu tóm quyền lực cá nhân”… Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động còn kích động người dân thực hiện những hành vi trái pháp luật và tiếp tay cho các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
3. Phản bác luận điệu xuyên tạc việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với làm tốt công tác cán bộ, cần vạch trần các luận điệu sai trái, phản bác các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, phần tử xấu để khẳng định chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, khách quan, xuất phát từ thực tiễn, phù hợp lòng dân và được nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ.
Miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới, mà đã được quy định trong nhiều văn bản của Đảng và thể chế hóa bằng quy định pháp luật của Nhà nước và được cụ thể hóa trong những năm gần đây. Các quy định trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” hay tại Thông báo số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”, có nhiều điểm mới và thể hiện đầy đủ tinh thần, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Qua đó, Đảng và Nhà nước đã hệ thống một cách chặt chẽ, có sự kế thừa và kết nối với các quy định từ trước về công tác cán bộ.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, các quy định pháp luật Việt Nam hiện nay đã chi tiết hóa, cụ thể hóa về vấn đề từ chức, miễn nhiệm, nhằm bổ sung những thiếu hụt trong hệ thống pháp luật Việt Nam về công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Cụ thể, tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”(1); “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”(2), luật giải thích hai thuật ngữ này để thấy đây là hai trường hợp được triển khai trong những điều kiện, bối cảnh khác nhau, có thể cán bộ, công chức xin từ chức, xong cơ quan có thẩm quyền tiến hành miễn nhiệm hoặc miễn nhiệm có thể được thực thi độc lập.
Pháp luật cũng quy định các trường hợp xin từ chức, miễn nhiệm, trong Luật Cán bộ, công chức, là “Cán bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây: a) Không đủ sức khỏe; b) Không đủ năng lực, uy tín; c) Theo yêu cầu nhiệm vụ; d) Vì lý do khác”(3). Cụ thể hóa quy định của Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức” quy định, cán bộ, công chức có thể xin từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp sau: “a) Tự nguyện thôi giữ chức vụ để chuyển giao vị trí lãnh đạo; b) Do tự nhận thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vị trí công tác không phù hợp; c) Vì các lý do chính đáng khác của công chức”(4). Nghị định còn quy định hệ quả của việc xin từ chức, miễn nhiệm, trong đó cán bộ, công chức có quyền lựa chọn tiếp tục công tác hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Trong trường hợp cán bộ, công chức lãnh đạo xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng đang trong quá trình xem xét mà chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Các quy định trên của pháp luật Việt Nam là những bước tiến mới, tư duy mới, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thể hiện đúng tinh thần và phương châm về công tác cán bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ “nói đi đôi với làm, làm nghiêm từ trên xuống”, “có lên, có xuống, có vào, có ra”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không có hạ cánh an toàn, bất kể người đó là ai”, “xử lý mang tính giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh là chính”, “nhân văn, nhân ái, nhân tình nhưng không nhân nhượng với những sai trái”. Do vậy, những quy định của pháp luật là công cụ giúp cán bộ, công chức biết đấu tranh với chính bản thân mình trước những sai trái, cám dỗ trong quá trình nắm giữ quyền lực nhà nước, thực thi công vụ, đồng thời, là công cụ để cán bộ, công chức nói chung và cán bộ cấp cao, cán bộ cấp chiến lược nói riêng thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất,...
Các quy định trên của pháp luật là cơ sở pháp lý, là công cụ để phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, đi ngược với sự ghi nhận của người dân và là sự bôi nhọ, có góc nhìn phiến diện về sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với công tác cán bộ nói chung và từ chức, miễn nhiệm nói riêng.
Bên cạnh các quy định của pháp luật về từ chức, miễn nhiệm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW thay thế cho Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02-10-2009. Theo đó, có nhiều điểm mới được thể hiện thông qua các nội dung như: quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, có phạm vi áp dụng đối với lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nước ta. Đặc biệt, là quy định về việc cán bộ tự nguyện xin thôi chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận khi có đủ căn cứ theo quy định.
Bên cạnh đó, trước thực trạng cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà không tự giác, tự nguyện từ chức nên gây hoang mang, lo ngại trong nhân dân, vì vậy, việc Đảng ban hành quy định khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút “tự nguyện xin từ chức”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Quy định của Bộ Chính trị còn là sự mở đường cho mỗi cán bộ, đảng viên khi vi phạm hoặc tự nhận thấy mình không còn đủ uy tín trước nhân dân và đồng nghiệp, trước Đảng và Nhà nước, tự suy nghĩ về bản thân mình. Bởi, việc “từ chức” là “tự phê bình”, là cuộc “đấu tranh tự thân” của chính cán bộ, đảng viên.
Quy định số 41-QĐ/TW quy định về căn cứ xem xét miễn nhiệm, từ chức khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Về căn cứ xem xét miễn nhiệm, việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau: “1) Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. 2) Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm. 3) Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. 4) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. 5) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. 6) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm”(5).
Về căn cứ xem xét từ chức, được căn cứ một trong các trường hợp: “1) Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. 2) Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. 3) Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. 4) Vì lý do chính đáng khác của cá nhân”(6).
Điều 7 của Quy định số 41-QĐ/TW còn quy định về những căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, qua đó việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau: “1) Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. 2) Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. 3) Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng”(7).
Quy định số 41-QĐ/TW cũng nêu rõ “khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc”(8).
Sau Quy định số 41-QĐ/TW, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành thông báo Kết luận số 20-TB/TW, nêu rõ, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Đây là một văn bản quy định rất rõ ràng, để cán bộ thể hiện sự tự nguyện của mình khi thấy không còn xứng đáng, không đủ uy tín thì tự mình đấu tranh với mình để xin từ chức, miễn nhiệm, đó là biểu hiện của sự tiến bộ trong nhận thức của cán bộ. Không có chuyện ép, buộc phải từ chức như sựa xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội.
Quy định số 41-QĐ/TW và Thông báo số 20-TB/TW rất phù hợp và được lòng dân, đặc biệt là củng cố được đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương, bởi nếu cán bộ có tự trọng, trọng danh dự, liêm sỉ, tự cảm thấy bản thân vi phạm kỷ luật, năng lực hạn chế, yếu kém, uy tín giảm sút, dư luận xã hội có ý kiến mà vẫn giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo thì cần suy nghĩ việc xin từ chức. Đây cũng chính là vấn đề nêu gương cho các cán bộ khác trong văn hóa từ chức khi bị kỷ luật hoặc có vi phạm.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, trong thời kỳ đổi mới, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới cả về tư duy và hành động, đã huy động được sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng. Về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thể hiện thông qua tính chuyên nghiệp trong công việc và tinh thần, thái độ làm việc phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, trọng danh dự, liêm sỉ trong điều hành công việc và ứng xử với cấp trên, cấp dưới; cơ sở chính trị, pháp lý về công tác cán bộ ngày càng được hoàn thiện; quy trình công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới và đã có sự thống nhất giữa các quy định trong các văn bản của Đảng và pháp luật nhà nước; vấn đề từ chức của cán bộ được quan tâm, chú trọng, nhiều cán bộ đã được toại nguyện với mong muốn từ chức của mình, phù hợp với nhu cầu thực tiễn từ chính cán bộ, đảng viên, đó là thực tế để kiểm nghiệm chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác cán bộ nói chung và đặc biệt là vấn đề từ chức nói riêng.
Như vậy, miễn nhiệm, từ chức là công việc bình thường trong công tác cán bộ, phù hợp quy luật vận động và phát triển của xã hội, đặc biệt trong xã hội Việt Nam hiện nay. Đảng và Nhà nước ta thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức trong cán bộ theo đúng quy định, nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự thủ tục… Mọi người dân, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức rõ quan điểm này để giữ vững lập trường chính trị, không để các thế lực thù địch, phản động dẫn dắt, lợi dụng, để cố tình xuyên tạc, bôi nhọ, bịa đặt, thổi phồng, chống phá công cuộc xây dựng Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Những luận điệu xuyên tạc rằng từ chức, miễn nhiệm là “đấu đá nội bộ”, “lợi ích cục bộ địa phương”, “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng nội bộ”, “củng cố quyền lực” hay “thâu tóm quyền lực cá nhân”… chỉ là những điều bịa đặt, xuyên tạc của một số đối tượng hòng chống phá, bôi nhọ danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước.
Để phát huy vai trò của Đảng, Nhà nước và sự tín nhiệm của nhân dân trong công tác cán bộ nói chung và trong công tác từ chức, miễn nhiệm nói riêng, cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân và toàn xã hội thấy việc từ chức, miễn nhiệm là hoàn toàn bình thường và cần nhận thức đúng về phương châm trong công tác cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Đồng thời, cần xây dựng văn hóa từ chức áp dụng chung chứ không chỉ với những người đã vi phạm, có khuyết điểm mà kể cả khi tự mình nhận thấy mình không còn uy tín, năng lực, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tự giác xin từ chức.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần tự giác, tự nguyện, tự soi, tự sửa, tự răn mình, tự chỉ trích, nuôi dưỡng lòng tự trọng, danh dự, liêm sỉ trong quá trình thực thi công vụ; phải tự nhận thấy được ý nghĩa của các quy định về từ chức, miễn nhiệm để có nhận thức đúng đắn và cách hành xử tử tế, chuẩn mực. Nếu không đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao thì phải dừng lại để tổ chức phân công cho người khác. Đó vừa là văn hóa, vừa là sự tự trọng, danh dự, liêm sỉ của người cán bộ, đảng viên.
4. Kết luận
Các quy định của Đảng và các quy định của pháp luật đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc làm nền tảng cho việc thực hiện hoạt động từ chức, miễn nhiệm trong công tác cán bộ ở Việt Nam. Việc từ chức, miễn nhiệm không phải là vấn đề bất bình thường như luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị xuyên tạc. Quy định trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam đã được kiểm nghiệm trong thực tế, càng chứng minh cho sự cần thiết phải phát huy giá trị, thúc đẩy nét văn hóa mới, ứng xử văn minh trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị.
Trên cơ sở nhận thức thống nhất, cần đặt việc thực hiện từ chức, miễn nhiệm đồng bộ với các quy định khác của Đảng về công tác cán bộ, như: quy định về trách nhiệm nêu gương, về chống chạy chức, chạy quyền, về những điều đảng viên không được làm, về phòng, chống biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,... Và hơn hết, để từ chức, miễn nhiệm trở thành một nét văn hóa, thành hành vi văn minh trong lãnh đạo, quản lý thì cần có môi trường liêm chính, dân chủ, đoàn kết và thống nhất.
_________________
Ngày nhận bài: 28-5-2024; Ngày bình duyệt: 2-8-2024; Ngày duyệt đăng: 8-8-2024.
(1), (2), (3) Quốc hội: Luật cán bộ, công chức năm 2008, https://thuvienphapluat.vn
(4) Chính phủ: Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, https://thuvienphapluat.vn
(5), (6), (7), (8) Ban Chấp hành Trung ương: Quy định số 41-QĐ/TW, https://tulieuvankien.dangcong.vn
Xem bài viết gốc tại đây